Ngành công nghiệp in Việt Nam qua những con số
I. TOÀN CẢNH NGÀNH CÔNG NGHIỆP IN VIỆT NAM QUA NHỮNG CON SỐ
Để phục vụ cho việc định hướng và quy hoạch phát triển Ngành, Hiệp hội In Việt Nam đã tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp in cả nước năm 2012, có so sánh với năm 2011 và kế hoạch năm 2013.
Cho tới nay, Hiệp hội In đã có được số liệu của 127 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong ngành in Việt Nam, trong đó phần lớn là các hội viên của Hiệp hội. Các số liệu còn lại được ước lượng dựa trên các số liệu thông qua niêm yết của các công ty cổ phần, công ty đại chúng, phỏng vấn một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực in bao bì và các nguồn thông tin khác.
Theo số liệu tổng hợp được thì số lượng các doanh nghiệp và cơ sở in của Việt Nam khoảng trên 1.200 đơn vị, không kể các cơ sở dịch vụ in quá nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của toàn ngành.
1. Sự phân bố lực lượng in
IN ẤN TẠI HÀ NỘI:
Hà Nội vẫn là một trong hai trung tâm lớn của cả nước với gần 200 cơ sở in, chiếm 15% sản lượng trang in và 16% doanh thu toàn ngành.
Hà Nội có hơn mười doanh nghiệp Nhà nước (chiếm tỷ trọng cao nhất so với các khu vực khác), chủ yếu in các sản phẩm truyền thống như sách, báo – tạp chí, bản đồ, in tiền và các tài liệu quan trọng phục vụ nội bộ các cơ quan Nhà nước, Đảng, Quân đội, Công An, Tài chính, Ngân hàng, Giáo dục v.v…Sản lượng của khối các doanh nghiệp này giảm nhiều hơn tăng do có sự chuyển đổi cơ cấu mặt hàng trong ngành in.
Một số cơ sở đang gặp khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động. Khối doanh nghiệp cổ phần và tư nhân đang trên đà phát triển, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp được đầu tư bài bản, căn cơ, có cơ sở vật chất vững mạnh, trong đó phải kể đến các công ty như: công ty CP Bao bì và in Nông nghiệp, công ty Việt Hưng, Goldsun v.v…Các công ty nhỏ đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, sức cạnh tranh yếu.
IN ẤN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH:
Là trung tâm in lớn nhất cả nước với gần 1.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 60% doanh thu và 52% sản lượng trang in toàn ngành.
Ở đây lĩnh vực in các xuất bản phẩm và báo chí đang bị tác động mạnh, trừ một số cơ sở vẫn giữ được đà tăng trưởng nhưng phần lớn đang bị giảm đơn hàng, trong đó một số cơ sở phải ngừng hoạt động như công ty CP in Khánh Hội, Hưng Phú, Vina, Minh Việt Long hoặc sa sút nhiều như công ty Cơ khí ngành in, công ty in Lê Quang Lộc v.v…
Lĩnh vực in nhãn hàng, bao bì là thế mạnh của thành phố Hồ Chí Minh, nơi có tới hàng chục công ty in bao bì lớn có doanh số từ 200 tỷ đến 1.600 tỷ đồng/năm và hơn 500 công ty bao bì tư nhân có sản lượng thấp nhưng hoạt động cũng khá năng động. Sự cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm này cũng rất cao giữa các đơn vị trong nước và với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều loại bao bì cao cấp phục vụ cho các tập đoàn mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như P&G, Unilever v.v… đang bị các công ty in có vốn đầu tư nước ngoài thâu tóm rất mạnh.
IN ẤN TẠI KHU VỰC ĐỊA PHƯƠNG PHÍA BẮC:
Bao gồm các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ. Đây là khu vực có diện tích địa lý lớn nhưng ngành in chưa được phát triển so với các khu vực khác của cả nước. Sản lượng và doanh thu in của khu vực này chiếm chưa đến 2% toàn ngành.
Nguyên nhân là chưa có trọng điểm in lớn nào được hình thành, mặc dù theo quy hoạch trước đây thì Hải Phòng và Nghệ An được đánh giá sẽ là 2 trong 4 trọng điểm in của cả nước. Quy mô của các cơ sở in khu vực này khá nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu, tổng vốn đầu tư trong các năm qua rất thấp, sự chuyển hướng sang lĩnh vực in bao bì còn chậm do công nghiệp địa phương chưa thực sự phát triển. Hiện nay đang có tín hiệu phát triển các cơ sở bao bì tại một số khu vực như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương và một số nơi khác.
IN ẤN KHU VỰC ĐÀ NẴNG:
Là Thành phố lớn trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng là một trong những trọng điểm in của cả nước, có một số cơ sở in quy mô khá, chủ yếu in các sản phẩm truyền thống là báo chí, sách giáo dục, vé số v.v… chưa có cơ sở lớn về in bao bì. Trong tương lai, nếu không phát triển được mảng này thì sản lượng in sẽ bị giảm đi so với hiện nay.
28/04/2020 11:06 PM 2485